TIN GIẢI TRÍ
“Đây là vụ việc đang gây bức xúc, phẫn nộ trong dư luận xã hội. Các cơ quan bảo vệ pháp luật phải nhận thức rõ trách nhiệm, bổn phận trước sự việc này”- ĐBQH Lê Thanh Vân nói.
Sáng ngày 17-4, trao đổi với PLO, đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Lê Thanh Vân – Ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội – đã phân tích các dấu hiệu tội phạm vụ cựu viện phó Nguyễn Hữu Linh sàm sỡ bé gái trong thang máy.
Theo ĐBQH Lê Thanh Vân, hành vi của ông Linh đã đủ yếu tố cấu thành tội dâm ô đối với người dưới 16 tuổi, theo Điều 146 BLHS 2015.
Trước hết, ĐBQH Lê Thanh Vân bày tỏ quan điểm về sự chậm trễ khởi tố vụ này: “Nếu thấy Công an và VKS quận 4 xử lý quá chậm thì cơ quan tố tụng TP.HCM phải vào cuộc. Lúc này, vai trò giám sát hoạt động tư pháp của VKSND TP.HCM phải được phát huy cao độ. Những hình ảnh ghi được trong thang máy là tư liệu quan trọng để phân tích các dấu hiệu vi phạm pháp luật”.
ĐB Lê Thanh Vân phân tích: Xem video cho thấy hình ảnh không mờ như có người nhận định. Phân tích từ hình ảnh cho thấy nhiều yếu tố có mối liên hệ logic với ý chí chủ quan của đối tượng.
Để phân biệt hành vi nựng với dâm ô thì phải xác định ý chí chủ quan của đối tượng trong mối quan hệ biện chứng giữa các yếu tố khách quan, chủ quan. Ở đây, có mấy vấn đề đặt ra và có thể nhận rõ yếu tố chủ quan, trên cơ sở phương pháp loại trừ.
Thứ nhất, tại sao ông Linh không “nựng” bé gái trong khi có có mặt người thứ ba (trong video cho thấy có người này – là bảo vệ chung cư, và chỉ khi người này vừa rời khỏi thang máy thì ông Linh mới hành động)?
Thứ hai, chỉ sau khi không còn ai trong thang máy thì ông Linh ngay lập tức rời bỏ thao tác trên điện thoại và lao vào em bé.
Thứ ba, khi lao vào em bé thì ông Linh dùng vũ lực ghì cổ, áp má bé gái với động thái dứt khoát, quyết liệt, quyết đoán.
Thứ tư, ông Linh và em bé không hề có mối liên hệ gia đình hay quen biết từ trước. Do vậy, nói rằng ông Linh nựng bé gái là ngụy biện tự biện để đánh tráo khái niệm, lẩn trốn chế tài trừng phạt của pháp luật hình sự.
Thứ năm, quan sát hành vi sau khi thang máy mở cửa cho thấy: cháu bé thì lao vội ra bên ngoài với nỗi sợ hãi, khiến bé té ngã; còn ông Linh thì buông tay khỏi bé. Hình ảnh ấy đã mô tả khá rõ tâm lý sợ hãi của nạn nhân, và tâm lý sợ bị phát hiện hành vi vi phạm của Linh.
Thứ sáu, vì sao khi ban quản lý chung cư đến gõ cửa phòng nơi ông Linh đang ở thì ông ta có thái độ bất hợp tác? Chỉ sau khi bên trong nhà bị cắt điện, mãi đến sáng hôm sau ông Linh mới ra mặt?
Thứ bảy, xét về nhân thân ông Linh: Ông Linh đã từng ký quyết định khởi tố, truy tố oan cho một số doanh nhân ở Đà Nẵng có liên quan đến Vũ “nhôm” khiến cho họ thân bại, danh liệt. Nhưng đến nay, ông Linh không bị quy kết trách nhiệm vụ này. Một người có am hiểu về luật pháp, lại từng giữ cương vị lãnh đạo của cơ quan bảo vệ pháp luật, hơn ai hết, ông Linh phải ý thức được hành vi của mình có trái đạo lý không, có trái pháp luật không?
Vấn đề đặt ra hiện nay là các cơ quan tố tụng quận 4 đã thực tâm, chí thành vào cuộc chưa? Có đủ bản lĩnh, khách quan trong đánh giá chứng cứ gốc không? Có xem xét mối quan hệ nhân quả giữa hình thức và nội dung của từng hành vi không? Có xét đến mối quan hệ của các bên liên quan không? Có thấy vì sao dư luận cực lực lên án hành vi của ông Linh và đòi hỏi phải khởi tố, trừng trị thích đáng không?…
Đây là vụ việc đang gây bức xúc, phẫn nộ trong dư luận xã hội. Các cơ quan bảo vệ pháp luật và cả những người có thẩm quyền của các cơ quan này ở quận 4, ở TP.HCM phải nhận thức rõ trách nhiệm trước sự việc này.