Không chỉ gây nguy hiểm cho tàu bè, cả tuyến buýt đường sông số 2 ở TP HCM cũng lâm vào cảnh bế tắc nếu dự án chống ngập 10.000 tỉ đồng cứ mãi dang dở
Sau khi bị dừng 7 tháng, mới đây, lãnh đạo UBND TP HCM thông tin hiện dự án Chống ngập do triều cường khu vực TP HCM có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu (giai đoạn 1) với tổng vốn đầu tư gần 10.000 tỉ đồng phải thuê tư vấn độc lập đánh giá lại chất lượng thép Trung Quốc, nếu bảo đảm thì mới tính các bước tiếp theo. Điều này đồng nghĩa với việc dự án chưa thể tái khởi động và an toàn giao thông thủy xung quanh các cống ngăn triều của dự án tiếp tục đe dọa tàu, thuyền, nhất là vào ban đêm.
Người điều tiết bỏ “trận địa”
Ngày 7-12, có mặt tại một số hạng mục công trình cống ngăn triều thuộc dự án chống ngập 10.000 tỉ đồng, chúng tôi đã nghe phản ánh những lo ngại, bức xúc mà chủ tàu, thuyền đang phải đối mặt hằng ngày. Theo quan sát, cống ngăn triều Tân Thuận (giữa quận 4 và quận 7) thi công dang dở ở cả 2 trụ cống khiến cho phần cừ choán hết lòng sông, chỉ chừa khoảng trống rộng chừng 15 m cho tàu thuyền qua lại. Trong khi đó, nếu ở phía quận 4, hàng cừ vây được sơn màu trắng – đỏ xen kẽ để cảnh báo tàu thuyền thì phía quận 7 lại khá sơ sài nên người lái tàu rất khó nhận biết vào ban đêm.
Anh Trần Văn Toàn, một tài công thường cho tàu neo đậu ở bến Tân Thuận, cho biết mỗi khi đi qua công trình là phải căng mắt nhìn 2 bên bởi sợ đụng phải công trình. Từ lúc bắt đầu khởi công, mặt sông bị thu hẹp lại rất nhiều khiến giao thông bị cản trở. “Lúc trước còn có người hướng dẫn luồng tuyến, cảnh báo đi chỗ nào cho an toàn, nay thỉnh thoảng mới có người hướng dẫn. Vậy mà chẳng thấy cơ quan chức năng nhắc nhở hay lập biên bản xử phạt về hành vi vi phạm an toàn nơi công trình đang thi công” – anh Toàn bức xúc nói.
Tương tự, cống ngăn triều Phú Xuân (giữa quận 7 và huyện Nhà Bè) vẫn không thể làm các tài công yên tâm dù việc thi công có phần hoàn thiện hơn cống Tân Thuận. Theo quan sát, hạng mục chính của cống đã hoàn thiện nhưng phần mang cống vẫn chưa xong, lộ rõ những cọc sắt lổn ngổn giữa lòng sông. Tại khu vực này, có nhiều tàu thuyền neo đậu và mỗi khi cập bến, tài công phải luồn lách giữa những cọc sắt để tránh va chạm. “Tình trạng lòng sông như vậy lẽ ra đơn vị thi công hay chủ đầu tư dự án phải cắt cử lực lượng thường xuyên để cảnh báo, hướng dẫn tàu bè đi lại an toàn, chứ lúc có lúc không như hiện nay là rất nguy hiểm” – anh Nguyễn Văn Dũng, một tài công thường xuyên qua lại bến Phú Xuân, đề nghị.
Không chỉ gây lo ngại cho các tài công, theo Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP HCM, tuyến buýt đường sông số 2 (Bạch Đằng – Lò Gốm) dọc tuyến kênh Tàu Hũ – Bến Nghé dự kiến sẽ hoạt động trong năm 2018 nhưng vì hạng mục cống ngăn triều Bến Nghé chưa xong nên phải dời lại đến năm 2020. Hơn 2 năm qua, tàu thuyền bị cấm qua đây để nhường mặt sông thi công dự án. Đây là một trong những cống thi công chậm nhất trong số các cống ngăn triều. Hiện công trình mới chỉ nhô lên mặt nước và choán hết chiều rộng lòng kênh, chỉ chừa lại khoảng 5 m cho nước chảy. Thỉnh thoảng, người dân đi tập thể dục 2 bên bờ lại bị tra tấn bởi mùi hôi do nước trong kênh không chảy ra sông Sài Gòn được.
Phải chịu trách nhiệm nếu xảy ra sự cố
Trước thực trạng trên, Sở GTVT TP nhận định nhiều công trình cống ngăn triều chưa hoàn thành các hạng mục dưới nước, tồn tại các chướng ngại vật dưới sông, kênh gây khó khăn cho tàu bè lưu thông qua lại. Điều đáng nói là phương án bảo đảm an toàn giao thông đường thủy của chủ đầu tư và nhà thầu thi công tại các công trình này vẫn tồn tại một số thiếu sót như hệ thống biển báo không đủ, thiếu người điều tiết giao thông thủy… Sở GTVT TP đánh giá các thiếu sót trong phương án mà chủ đầu tư thực hiện tiềm ẩn nguy cơ gây mất an toàn giao thông thủy.
Trước đánh giá của Sở GTVT TP, ông Nguyễn Tâm Tiến, Tổng Giám đốc Công ty CP Đầu tư Xây dựng Trung Nam – chủ đầu tư dự án, cho biết hiện vẫn có người điều tiết giao thông thủy tại các công trình cống ngăn triều. Từ lúc thi công, công trình luôn có nhiều người làm việc, còn các phương tiện vẫn phải lưu thông trên phần sông, kênh đã bị thu hẹp nên công ty đã thuê đơn vị chuyên nghiệp hướng dẫn tàu bè. Tuy nhiên, nếu dự án kéo dài, việc giải ngân cho đơn vị hướng dẫn giao thông thủy không được bảo đảm thì họ cũng không chịu đựng nổi. “Chúng tôi đã có khuyến cáo với UBND TP nếu không giải quyết vấn đề giải ngân thì nhà đầu tư không có kinh phí chi trả cho các đơn vị khác, không biết họ sẽ “gồng” được bao lâu. Một số đơn vị được thuê đã có văn bản đặt vấn đề sẽ dừng nếu không nhận được kinh phí” – ông Tiến nói.
Bình luận về phát biểu của ông Tiến, luật sư Lê Ngọc Phụng (Đoàn Luật sư TP HCM) khẳng định chủ đầu tư phải chịu trách nhiệm bảo đảm an toàn giao thông đường thủy ở khu vực thi công dự án chứ không thể đổ lỗi cho bất kỳ ai.
Luật sư Phụng phân tích việc chậm giải ngân hay những vướng mắc của dự án thuộc mối quan hệ giữa chủ đầu tư với chính quyền TP. Còn việc bảo đảm an toàn giao thông là trách nhiệm của chủ đầu tư với tàu thuyền đi lại trên sông do lòng sông bị thu hẹp, do những chướng ngại vật mà dự án gây ra. Hai mối quan hệ này độc lập nhau, chủ đầu tư không thể lấy lý do chậm giải ngân để không cắt cử người điều tiết, hướng dẫn tàu bè đi lại qua khu vực thi công. “Cũng giống như thi công dự án trên đường bộ, chủ đầu tư phải điều tiết giao thông và chịu trách nhiệm cho sự cố mà lỗi do không cử người điều tiết. Do vậy, nếu xảy ra tai nạn thì chủ đầu tư phải hoàn toàn chịu trách nhiệm về bồi thường thiệt hại” – luật sư Phụng khẳng định.
Theo Sỹ Đông (Người lao động)