Hôm qua, ngày nghỉ cuối Tết Kỷ Hợi, dòng người ồ ạt đổ về TP.HCM khiến nhiều tuyến đường từ miền Tây, miền Đông gần như bị tê liệt.
Hàng loạt ô tô và xe máy nối dài nằm chờ qua cầu Bến Lức (Long An). Ảnh: HN
Ngay từ sáng 10-2, hàng ngàn người cùng phương tiện ở các tỉnh miền Tây ùn ùn đổ về TP.HCM gây nên cảnh tượng kẹt xe kinh hoàng ở các tỉnh Long An, Tiền Giang, Vĩnh Long, Bến Tre…
Đường miền Tây về TP.HCM tê liệt
Giữa trưa nắng, quang cảnh dưới dốc cầu Bến Lức (Long An, cách TP.HCM khoảng 30 km) thật ngột ngạt với dòng xe máy cùng ô tô xếp hàng kéo dài từ đỉnh xuống dốc cầu. Nhiều người tay xách nách mang hành lý, chở theo trẻ em liên tục bấm còi để xin đường mong thoát khỏi dòng xe càng nhanh càng tốt.
“Ngồi uống cà phê chờ cho hết kẹt xe…, không biết khi nào mới về đến TP đây” – anh Nguyễn Phú, công tác ở Trường Ba Đình, quận 5, TP.HCM cảm thán khi xe anh dừng ở Long An gần hai tiếng đồng hồ.
Ghi nhận của PV, có hàng chục ngàn ô tô, xe máy di chuyển chậm chạp trên quốc lộ (QL) 1 đoạn từ TP Tân An (Long An) đến ngã ba An Lạc (TP.HCM). Tại khu vực cầu Bến Lức, cảnh kẹt xe kéo dài nhiều cây số. Nhiều người cho biết họ phải chôn chân từ đầu chợ Bến Lức lúc 10 giờ, đến 14 giờ 30 vẫn chưa qua được địa bàn Long An.
QL1 đoạn qua tỉnh Tiền Giang từ sáng đến trưa cùng ngày cũng xảy ra tình trạng ùn ứ giao thông nghiêm trọng. Cụ thể, trên tuyến QL1 từ cầu Mỹ Thuận về vòng xoay Trung Lương (Tiền Giang) tình trạng ùn tắc kéo dài. Tại vòng xoay ngã ba Trung Lương (giao giữa QL1 và QL60), gần như các xe phải di chuyển nhích từng chút một để qua vòng xoay.
Không chỉ Long An, Tiền Giang, tuyến QL1 qua cầu Mỹ Thuận đến cầu Cần Thơ cũng trong tình trạng ùn tắc kéo dài, vài đoạn hầu như giao thông bị tê liệt. Nguyên nhân được cho là do hai vụ tai nạn giao thông xảy ra trên cầu Cần Thơ và cầu Mỹ Thuận khiến dòng phương tiện đi TP.HCM bị ùn tắc nghiêm trọng hàng giờ liền. Theo đó, trên cầu Cần Thơ vào khoảng 10 giờ, hai ô tô bốn chỗ đang lưu thông qua cầu hướng đi TP.HCM thì xảy ra va chạm. Do thời điểm này đúng vào cao điểm dòng người và phương tiện từ các tỉnh miền Tây bắt đầu trở lại TP.HCM nên giao thông từ trạm thu phí cầu Cần Thơ cũ đến giữa cầu bị ùn ứ cục bộ. Ngay khi tai nạn xảy ra, lực lượng chức năng đã có mặt để điều tiết giao thông, giải quyết vụ tai nạn. Đến 11 giờ cùng ngày, giao thông qua cầu Cần Thơ bắt đầu trở lại bình thường.
Sáng cùng ngày, một ô tô loại 29 chỗ lưu thông trên cầu Mỹ Thuận hướng Vĩnh Long đi Tiền Giang bất ngờ chết máy khiến dòng phương tiện qua cầu bị ùn ứ nghiêm trọng. Cầu Mỹ Thuận trong sáng đến trưa hầu như bị tê liệt, giao thông trở nên hỗn loạn. Dòng xe xếp hàng dài chục cây số hướng về TP.HCM. Nhiều người mất hơn hai tiếng đồng hồ vẫn chưa qua được cầu Mỹ Thuận. Một số xe cấp cứu phải lái qua làn đường ngược chiều để kịp đưa người bệnh đi cấp cứu.
Tài trợLực lượng CSGT Công an tỉnh Vĩnh Long đã được tăng cường để điều tiết giao thông, giải phóng xe chết máy khỏi hiện trường. Theo ghi nhận của PV, vụ kẹt xe kinh hoàng đã kéo dài hơn bốn tiếng đồng hồ và vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại.
Hàng chục ngàn phương tiện bị chôn chân tại khu vực cầu Mỹ Thuận (Tiền Giang) hướng về TP.HCM. Ảnh: ĐÔNG HÀ
Xả trạm BOT cầu Rạch Miễu
Trên tuyến QL60 và cầu Rạch Miễu (Bến Tre), giữa trưa nắng gắt dòng người, xe tiếp tục đổ về cầu Rạch Miễu khiến giao thông bị ùn ứ từ 13 giờ cùng ngày. Làn đường dành cho xe máy bị ô tô chiếm hết khiến người đi xe máy vất vả chen chúc di chuyển giữa những khoảng trống rất nguy hiểm. Càng về chiều, lượng xe đổ về càng đông, QL60 bị ùn ứ nghiêm trọng.
Để giải tỏa ùn ứ, lực lượng CSGT đã chặn từng đợt xe lên cầu Rạch Miễu, tuy nhiên biện pháp này càng làm cho QL60 bị ùn ứ kéo dài. Do lượng phương tiện quá đông, tuyến QL60 đoạn huyện Châu Thành (Bến Tre) bị tê liệt, Công ty BOT cầu Rạch Miễu đã quyết định xả trạm lúc 13 giờ 21 phút.
Đến khoảng 14 giờ, do lượng phương tiện quá đông, lực lượng CSGT Công an tỉnh Bến Tre đã phối hợp với CSGT Công an tỉnh Tiền Giang tạm chặn dòng xe từ Tiền Giang qua Bến Tre, cho lưu thông một chiều trên QL60 và cầu Rạch Miễu hướng về TP.HCM để nhanh chóng giải tỏa phương tiện.
Theo dự báo, ngày 10-2 là ngày cuối của kỳ nghỉ Tết nguyên đán, dòng người đổ về TP.HCM sẽ còn tăng đột biến vào chiều và tối cùng ngày. “Chúng tôi sẽ xả trạm cho đến khi nào đường thông thoáng trở lại mới tiếp tục thu phí” – ông Hà Ngọc Nam, Phó Giám đốc Công ty BOT Cầu Rạch Miễu, cho biết.
Miền Đông, một giờ nhích một cây số
Trên các tuyến đường thuộc cửa ngõ phía Đông TP.HCM, do lượng phương tiện tăng cao gây ùn tắc ở cao tốc Long Thành – Dầu Giây, lực lượng chức năng phải chặn chiều vào TP.HCM trên cao tốc này để giải quyết ùn tắc, các phương tiện phải đi theo QL1A khiến đoạn đường này cũng di chuyển không khá hơn, thường xuyên kẹt xe cục bộ.
Trong khi đó, trên QL1 đoạn qua huyện Hàm Thuận Nam (Bình Thuận), cách trạm thu phí Sông Phan khoảng 5 km, khoảng 15 giờ, hàng ngàn ô tô, xe khách từ miền Trung đổ vào nằm kẹt cứng chờ qua trạm. Ghi nhận của PV, một số đoạn các phương tiện di chuyển đến năm làn xe, lấn vào đất ven nhà dân. Thậm chí xe cấp cứu và xe thanh tra giao thông cũng bị kẹt.
Lực lượng CSGT cho phép ô tô đi làn mới ở chiều ngược lại để giảm lượng xe vào trạm. Tuy nhiên, do lượng xe quá đông nên các phương tiện cũng bị chôn chân ở hướng ngược lại.
Một tài xế xe khách tuyến Phú Yên vào TP.HCM cho biết: “Chúng tôi đi từ 7 giờ sáng, sáng giờ đã gặp một số đoạn ùn ứ như trước trạm thu phí Khánh Hòa (TP Cam Ranh) và đoạn ở ngã năm Phan Rang (Bình Thuận). Bây giờ còn gặp cảnh này thì phải tầm 8 giờ tối mới vào tới TP”.
Do chờ lâu, một số tài xế quay đầu xe để tìm lối đi khác. Một tài xế xe khách tuyến Phú Yên – TP.HCM nói: “Nãy giờ mất hơn một tiếng mà chỉ nhích được một cây số. Còn 4 km nữa mới tới trạm thu phí. Giờ mình đi đường tránh, bên trong TP Phan Thiết cho đỡ kẹt”. Tuy nhiên, các phương tiện vào đường tránh cũng phải nhích từng chút vì lượng xe quá đông.
Tăng phà, tăng xe buýt
Một trong những hướng được người dân lựa chọn về lại Sài Gòn từ Bà Rịa-Vũng Tàu, Đồng Nai là qua phà Cát Lái. Do lượng khách qua phà tăng cao, đơn vị quản lý bến phà đã tăng tối đa phương tiện và lượt chạy. “Chúng tôi đã huy động bảy chiếc phà với lượt chạy liên tục để phục vụ người dân. Hôm nay có khoảng 85.000 lượt khách qua phà, tăng hơn 5.000 lượt so với hôm qua” – ông Nguyễn Thanh Tuấn, Phó Giám đốc Xí nghiệp quản lý phà Thanh niên xung phong, đơn vị quản lý bến phà Cát Lái, cho biết. Theo ông Tuấn, cao điểm khách qua phà rơi vào lúc 16 giờ đến 20 giờ ngày 10-2. Đơn vị quản lý phà đã tăng cường tối đa nhân sự, thậm chí xin thêm phà để phục vụ người dân trong ngày nghỉ cuối cùng này. “Năm nay khách đông ở cả hai đầu bến. Chúng tôi cố gắng hết sức để không xảy ra ùn tắc hai đầu bến, đến thời điểm này thì chưa xảy ra kẹt xe nghiêm trọng” – ông Tuấn nói. Ông Trần Thanh Việt, Phó Trưởng phòng Kế hoạch vận tải, Bến xe Miền Đông, cho biết các chuyến xe về bến tập trung trong khoảng 2 giờ trở đi, khi đó xe buýt chưa hoạt động nên người dân còn ngồi chờ hơi lâu. Để giải quyết tình trạng trên, Bến xe Miền Đông đã yêu cầu xe buýt chạy sớm hơn, bắt đầu hoạt động từ 3 giờ sáng chứ không phải 4 giờ sáng như thường lệ để người dân di chuyển được dễ dàng hơn. Ông Lê Minh Triết, Giám đốc Trung tâm Quản lý đường hầm sông Sài Gòn, đơn vị quản lý và vận hành Trung tâm điều khiển giao thông TP.HCM, khẳng định sẽ huy động tối đa nguồn lực, nhân lực để điều tiết giao thông trong ngày cuối cùng của kỳ nghỉ Tết nhằm tránh ùn tắc, kẹt xe kéo dài ở các khu vực cửa ngõ TP. “Chúng tôi sẽ phối hợp với các đơn vị qua Trung tâm điều khiển giao thông để xử lý các tình huống nhanh nhất” – ông Triết nhấn mạnh. |