KIẾN THỨC CẦN BIẾT
Rất nhiều tài xế, kể cả những người lái xe lâu năm và những lái mới thường lờ đi các dấu hiệu cảnh báo về dầu phanh, nước làm mát, lọc gió, hay hệ thống điều hòa.
Cầm vô lăng sai cách
Nhiều người thường có thói quen cầm vô lăng quá thấp trong khi lái xe. Các nhà sản xuất khuyến cáo tay lái không được hướng vào đầu mà nên hướng vào vị trí xương ức với khoảng cách 25 – 30 cm. Lý tưởng nhất là đặt cả hai tay lên vô lăng, tay trái hướng ở vị trí 9 giờ trên đồng hồ, tay phải hướng 3 giờ và hãy giữ tư thế ngồi thẳng.
Không thắt dây an toàn
Dây an toàn là dụng cụ bảo vệ lái xe trong quá trình xe di chuyển, có tác dụng cố định người ngồi trong xe trong trường hợp va chạm xảy ra. Tuy nhiên, nhiều tài xế Việt vẫn thường hay bỏ qua công đoạn cài dây an toàn mỗi khi lên xe. Điều này khiến họ dễ bị thương vong hơn nếu chẳng may va chạm xảy ra.
Không gập gương
Gập gương gọn gàng sẽ tránh được những va quệt đáng tiếc khi xe đỗ. Với một số gương gập bằng cơ, người khác có thể thay bạn gập lại trong trường hợp cần thiết. Với những loại gương điện, việc cố gắng gập lại bằng tay có thể sẽ ảnh hưởng đến khả năng vận hành hoặc ảnh hưởng đến bộ điện. Chủ động gập gương trước khi rời xe sẽ giúp bạn tránh được những sự cố không đáng có.
Đỗ xe lệch bánh
Đỗ xe sát vỉa hè hay đỗ bánh trên vỉa hè, bánh dưới lòng đường là những kiểu đỗ xe thường gặp tại Việt Nam bởi điều kiện đường sá chật chội, phương tiện đông đúc. Lỗi nhiều tài xế có thể gặp là khi canh xe để đỗ sát vào vỉa hè đã vào quá sát, dẫn tới lốp xe một nửa dưới lòng đường, một nửa trên vỉa hè như ảnh dưới đây.
Khi đỗ kiểu này, áp lực dồn lên lốp không đều, phần thành lốp ở phía trên bờ nghiêng chịu áp lực lớn, đè lốp biến dạng. Trong thời gian ngắn thì kiểu đỗ này có thể chưa gây hại, nhưng nếu nhiều lần như vậy và đỗ trong thời gian dài, chỗ phù trên lốp sẽ không thể đàn hồi trở lại hình dạng ban đầu.
Không quan tâm tới đèn cảnh báo tại bảng táp lô
Khi phát hiện một ký hiệu nào đó tại bảng táp lô đột nhiên phát sáng, hãy lập tức kiểm tra vấn đề nào đang xảy ra đối với xe. Nếu không nắm hết ý nghĩa các thông số này, bạn có thể tra cứu trên mạng hoặc cẩm nang hướng dẫn sử dụng ôtô. Rất nhiều tài xế, kể cả những người lái xe lâu năm và những lái mới thường lờ đi các dấu hiệu cảnh báo về dầu phanh, nước làm mát, lọc gió, hay hệ thống điều hòa… khiến tuổi thọ của xe giảm đi nhanh chóng.